XÂY DỰNG VÀ RÈN LUYỆN HỆ THỐNG KỸ NĂNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
CHO SINH VIÊN KHOA GIÁO DỤC THỂ CHẤT – ĐẠI HỌC VINH
Th.S Phan Sinh
Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một nhiệm vụ quan trọng, một hoạt động mang tính đặc trưng của sinh viên (SV) ở bậc đại học. Thực tế trong những năm qua, hoạt động NCKH của SV được thực hiện ở nhiều cấp độ khác nhau và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, phần lớn SV khoa Giáo dục thể chất (GDTC) vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu (NC); từ khâu xác định đề tài NC, xây dựng đề cường NC, tổ chức quá trình NC đến trình bày kết quả NC… Để giúp SV khoa GDTC nâng cao năng lực NCKH và NCKH đạt kết quả cao, cần có nhiều biện pháp, trong đó điều quan trọng là giúp SV biết được trong quá trình NC của mình cần phải làm những việc gì và làm như thế nào? Vì vậy, việc xây dựng và rèn luyện hệ thống kĩ năng (KN) NCKH cho SV khoa GDTC là biện pháp quan trọng nhất.
1. Kỹ năng nghiên cứu khoa học
KN NCKH của SV được hiểu là khả năng SV thực hiện một cách có hiệu quả hoạt động NCKH bằng việc lựa chọn và thực hiện các phương thức hành động đã được tiếp thu phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nhất định nhằm đạt được mục đích , nhiệm vụ NC đề ra.
Trên cơ sở tiếp cận hoạt động và hệ thống cấu trúc cho thấy, hoạt động NCKH của SV diễn ra theo 4 giai đoạn (GĐ) chủ yếu sau:GĐ chuẩn bị NC; GĐ thực hiện công trình NC; GĐ hoàn thành công trình NC; GĐ đánh giá kết quả NC. Căn cứ vào mục đích NC, nhiệm vụ NC của các GĐ NCKH và KN NCKH tưng ứng, có thể khái quát hệ thống KN NCKH của SV như sau:
GĐ 1: Chuẩn bị nghiên cứu
- KN xác định tên đề tài NC nhằm xác định vấn đề NC và diễn đạt được tên đề tài NC, bao gồm các thao tác đọc tài liệu và khảo sát thực tiễn, phát hiện những mâu thuẫn nẩy sinh chưa giải quyết hoặc giải quyết chưa trọn vẹn; đề xuất vấn đề NC; đánh giá các điều kiện thực hiện đề tài; quyết định chọn vấn đề NC, biểu đạt tên đề tài NC.
- KN xây dựng đề cương NC, nhằm xây dựng đề cương NC (xem như bản luận chứng khoa học) để trình duyệt và làm cơ sở định hướng cho quá trình thực hiện đề tài, bao gồm các bước sau: Nắm được cấu trúc chung của đề cương NC (các đề mục của đề cương NC và logic trình bày đề cương NC); hiểu và nắm vững các nội dung của đề cương NC; viết đề cương NC.
- KN xây dựng kế hoạch NC nhằm thuyết minh tiến trình thực hiện đề tài NC. Thực hiện KN này, bao gồm các bước sau: xác định nội dung NC của đề tài; căn cứ các điều kiện khách quan và chủ quan, dự kiến tiến độ, thời gian thực hiện đề tài và kết quả đạt được, xây dựng kế hoạch cụ thể (bao gồm kế hoạch chung cho cả quá trình thực hiện đề tài từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc và kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn NC).
GĐ 2: Thực hiện công trình nghiên cứu
- KN thu thập và xử lí thông tin lí luận: sử dụng các phương pháp NC lí luận để thu thập những thông tin về lí luận, tiên hành xử lí các thông tin thu được nhằm xây dựng cơ sở lí luận của đề tài NC. Các bước tiên hành: lập thư mục và sưu tầm tài liệu; sử dụng các phương pháp NC lí luận và thu thập thông tin (gồm KN nắm vững và sử dụng phương pháp luận NCKH và các phương pháp NC cụ thể); xử lí thông tin: phân loại thông tin thành các mục tương ứng với các nội dung NC; hệ thống hóa thông tin thu được, rút ra kết luận khoa học, xây dựng cơ sở lí luận của đề tài NC.
- KN thu thập, xử lí thông tin thực tiễn: Các bước thực hiện: xác định địa điểm, đối tượng khảo sát; sử dụng phương pháp NC thực tiễn để tiến hành NC, thu thập thông tin thực tiễn; xử lí kết quả NC thực tiễn (bao gồm: tập hợp số liệu, sản phẩm NC thực tiễn; sử dụng phương pháp toán học thống kê để xử lí số liệu; sắp xếp kết quả NC đã được xử lí theo nội dung NC của đề tài; xây dựng cơ sở thực tiễn của đề tài NC).
GĐ 3: Hoàn thành công trình nghiên cứu
Đây là giai đoạn kêt thúc quá trình NC. Công việc cơ bản là thể hiện được toàn bộ kết quả NC bằng văn bản chính thức (báo cáo tổng kết). Một văn bản khoa học có những yêu cầu chặt chẽ: phù hợp nội dung khoa học (có độ tin cậy, chính xác cao; đem lại cái mới về khoa học; có tính thực tiễn; có khả năng ứng dụng vào cuộc sống; việc sắp xếp nội dung hệ thống logic…); phù hợp yêu cầu về mặt kĩ thuật (in ấn, trình bày nội dung, minh họa và phụ lục, trích dẫn và danh mục tài liệu tham khảo…). Muốn vậy, cần thực hiện các KN: nắm vững các yêu cầu quy định về cấu trúc nội dung, kĩ thuật in ấn; sắp xếp kết quả NC theo nội dung của đề cương NC; trình bày kết quả NC; sửa chữa văn bản; hoàn thiện báo cáo tổng kết.
GĐ 4: Đánh giá kết quả nghiên cứu Đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình NC một đề tài khoa học, gồm 2 KN cơ bản: 1) KN báo cáo kết quả NC (trình bày kết quả NC). Thực hiện KN này cần lưu ý: nắm vững các yêu cầu báo cáo (nội dung, thời gian,..); chuẩn bị các điều kiện báo cáo; nắm vững kĩ thuật báo cáo; luyện tập và thực hiện báo cáo; 2) KN tự đánh giá kết quả NC, cần thực hiện các bước sau: xác định và nắm vững các tiêu chí đánh giá; tự đánh giá kết quả NC.
2. Quy trình rèn luyện hệ thống KN NCKH cho SV khoa GDTC
- Một số nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng quy trình rèn luyện hệ thống KN NCKH cho SV: Đó là đảm bảo tính hệ thống; tính hợp lí; tính hiệu quả và khả thi của quy trình.
- Quy trình rèn luyện KN NCKH cho SV:
Bước 1: Định hướng hoạt động NCKH: Giảng viên giới thiệu khái quát về hoạt động NCKH của SV và ý nghĩa của nó đối với quá trình đào tạo trong trường đại học. Xác định rõ mục đích, nhiệm vụ, yêu cầu thực hiện, điều kiện thực hiện và công việc mà SV cần thực hiện trong quá trình NCKH.
Bước 2: Trang bị tri thức lí thuyết về hoạt động NCKH cho SV: Giảng viên trang bị cho SV những tri thức về phương pháp luận, phương pháp NC; trình bày các giai đoạn NC và hệ thống KN cần thực hiện trong quá trình NC. Kết quả của bước này phải giúp SV hiểu và nắm vững được các giai đoàn NCKH, cách thức tiến hành công trình NCKH.
Bước 3: Tổ chức rèn luyện hệ thống KN NCKH cho SV: Trên cơ sở hệ thống KN NCKH giảng viên trình bày cụ thể cấu trúc của từng loại KN và cách thực hiện các bước để hình thành KN. Chẳng hạn, để hình thành được KN xác định tên đề tài NC cần thực hiện các bước: đọc tài liệu, khảo sát thực tiễn, đề xuất vấn đề NC (dựa trên phát hiện những mâu thuẫn chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa chọn có hiệu quả); xác định các điều kiện NC (khách quan và chủ quan); quyết định vấn đề NC chính thức; biểu đạt tên đề tài NC. Trong quá trình thực hiện, giảng viên cần thông qua một đề tài mẫu để hướng dẫn cho SV. Trên cơ sở đó yêu cầu SV giải quyết trên một đề tài do SV đề xuất.
Tổ chức tập luyện KN NCKH cho SV: Việc tập luyện có thể tiến hành theo lớp, tổ hoặc cá nhân trong giờ học trên lớp hoặc ngoài giờ học cần được qui định cụ thể. Có thể ban đầu luyện tập từng loại KN cụ thể, sau đó tiến hành luyện tập một cách tổng hợp. Trong các hình thức luyện tập, luyện tập ở nhà và theo hình thức cá nhân có kiểm tra, đánh giá của giảng viên là hình thức có hiệu quả nhất vì SV có thể chủ động về thời gian, có sự đầu tư suy nghĩ nhiều, đặc biệt là những SV đang thực hiện các loại đề tài NCKH có điều kiện thực hiện tốt hơn so với việc rèn luyện trong giờ học do thời gian quá ít và sự đầu tư suy nghĩ không nhiều.
Bước 4: Kiểm tra, đánh giá kết quả quá trình luyện tập. Trong quá trình tổ chức luyện tập KN, cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra để điều chỉnh lí kịp thời giúp SV thực hiện tốt trong từng giai đoạn NC. Việc đánh giá có thể được thực hiện thông qua mức độ thực hiện các KN cụ thể hoặc đánh giá cả hệ thống KN NCKH. Việc đánh giá có thể tiến hành bằng hình thức góp ý, đánh giá theo tổ, lớp. Hay theo từng loại KN hoặc thông qua đánh giá của Giảng viên đối với các loại bài tập NCKH. Trong quá trình đánh giá cần theo từng cấp độ: đánh giá việc thực hiện từng loại KN, từng loại KN cụ thể; đánh giá từng giai đoạn NC của đề tài. Cần có dẫn chứng minh họa để giúp SV có thể tự mình kiểm chứng. Cần hướng dẫn SV khả năng tự đánh giá quá trình luyện tập hệ thống KN NCKH.
Bước 5: Tổng kết rút kinh nghiệm. Giảng viên sau khi thực hiện việc kiểm tra, đánh giá quá trình luyện tập KN NCKH của SV, cần tiến hành tổng kết quá trình tập luyện. Việc tổng kết cần chỉ ra được những kết quả đạt được, những hạn chế của SV trong quá trình thực hiện KN NCKH, xác định những nguyên nhân và đề xuất các biện pháp khắc phục. Quá trình này được thực hiện sau khi SV đã hoàn thành công trình NCKH.
3. Một số kiến nghị
Việc bồi dưỡng năng lực NCKH là điều kiện tất yếu góp phần nâng cao hiệu quả NCKH của SV. Điều đó gắn liền với việc xây dựng và rèn luyện hệ thống KN NCKH. Chính vì vậy:
- Khoa GDTC - đại học Vinh cần chú trọng và tạo điều kiện nhiều hơn trong công tác NCKH của SV như tăng lượng SV được tham gia NCKH (đối với loại hình bài tập môn học, tiểu luận); tạo điều kiện về tài liệu, phương tiện NC và chế độ khuyến khích ưu tiên cho SV NCKH.
- Cần tổ chức trang bị sớm cho SV về lí thuyết NCKH (có thể bắt đầu từ đầu học kỳ 2 năm học thứ nhất). NCKH của SV nên bắt đầu từ năm học thứ hai là hợp lí và cần tăng số lượng SV tham gia NCKH bằng cách tăng số lượng hướng dẫn bài tập môn học, tiểu luận …
- Cần tổ chức rèn luyện KN NCKH cho SV bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú gắn liền với việc học các môn học thực hành chuyên ngành.
- Cần tạo điều kiện thuận lợi cho SV được nghiên cứu những đề tài độc lập như đề tài cấp khoa, cấp trường và tham gia hội thi SV NCKH.