Mới gặp, nhiều người cứ ngỡ tôi là một nữ sinh khoa Giáo dục thể chất. Có lẽ vì nước da nâu ngăm dòn, bước chân đi như chạy, nhanh đến nỗi lũ bạn theo không kịp. Hay vì tính hiếu động và sự khỏe khoắn ở bất kỳ một cuộc picnic nào? Chính tôi cũng không biết nữa. Chỉ có thể chắc chắn rằng: tất cả những dáng nét ấy, ít hay nhiều, tôi có ảnh hưởng từ mẹ - Người đã chọn nghiệp của mình là giảng dạy thể dục thể thao. Ấy là khi tôi còn bé lắm, chưa biết công việc của mẹ là gì. Ba tôi, vì lo cô con gái nhỏ mảng chơi, đã dặn một câu cửa miệng rằng: nếu lạc đường, con hãy nói: mẹ cháu là... dạy ở tổ Thể dục, trường Đại học sư phạm Vinh. Ngày đó, đâu đã có tên đường, số nhà và khoa Thể dục bấy giờ hãy còn là một tổ chưa nhiều cán bộ. Thế là “địa chỉ” ấy đã in đậm trong trí nhớ non nớt của tôi, tin cậy và gần gũi. Tôi đã được ngắm mẹ chuẩn bị bài tập như thế nào trước khi lên lớp. Những động tác mềm mại, uyển chuyển và khéo léo làm sao. Các chị sinh viên quanh nhà nói với tôi rằng: Mẹ dạy múa... Sau này lớn lên tôi mới biết đó là môn thể dục tự do với những bước van lướt nhẹ bẫng như bay, cả thăng bằng, xoạc... tất cả không thực hiện dễ dàng mà phải có một quá trình tư duy, tập luyện khó nhọc, vất vả. Không thể vượt qua những trở ngại ấy nếu không có lòng yêu nghề và tinh thần hết mình vì công việc. Đó là trách nhiệm và cũng là sự tự nguyện cần có và đáng có. Đã 10 năm đi qua, với lịch sử một khoa đào tạo, khoảng thời gian ấy chưa dài, nhưng với một đời người thì cũng rất đáng kể. Bao nhiêu thăng trầm, biến động đến rồi đi như một quy luật tự nhiên, thách thức đã tạo động lực cho chúng ta phát triển. Bản lĩnh và nghị lực sống của mỗi người được tôi luyện. Có nhiều thứ đã đổi thay nhưng những gì thuộc về giá trị tinh thần thì sẽ trường tồn mãi mãi. Những thầy cô của khoa Giáo dục thể chất vẫn đều đặn với từng công việc, hàng ngày rèn luyện thể lực cho sinh viên và trên tất cả là giáo dục họ tự ý thức về vấn đề tu dưỡng đạo đức, sức khỏe của chính mình - tài sản lớn và vô giá nhất. Chưa có bề dày thành tích như khoa Toán hay khoa Ngữ văn - nhưng khoa Giáo dục thể chất (tổ Thể dục) đã đồng hành cùng quá trình thành lập và trưởng thành của Trường suốt 45 năm qua. Khoa cũng đã có những đóng góp đáng kể trong nhiều phong trào hoạt động có ý nghĩa lớn. Sinh viên của khoa luôn được biết đến như những thành viên tích cực và nhiệt tình nhất, không bao giờ nề hà trước bất kỳ một nhiệm vụ nào được trường và khoa giao phó. Giữa đám đông, rất dễ nhận ra họ - những chàng trai, cô gái khỏe mạnh, bước những bước tự tin, vững chãi trên con đường học tập và tu dưỡng đạo đức. Trong cuộc đời một con người, bến đỗ yên lành nhất sau những cơn sóng gió chính là gia đình. Và còn có một bến đỗ nữa cũng đã nâng đỡ ta rất nhiều, đó là nơi ta công tác. Khoa Giáo dục thể chất chất chính là “ngôi nhà thứ hai” ấm cúng và đoàn kết của các thầy cô và các sinh viên. Có những giảng viên đã sắp sửa nghỉ hưu, có những giảng viên hãy còn rất trẻ - nhưng sự gặp gỡ giữa những tâm hồn này chính là sự trẻ trung, nhiệt thành với cuộc sống và sự đồng cảm, chia sẻ thân tình với những người đồng nghiệp. Một ngày không ra khoa sẽ thấy nhớ như không tuân theo một thói quen cũ nào - cảm giác đó là có thực. Bởi khi đã sống, đã hiểu nhau thì dường như có một sự nối kết vô hình trong một tập thể mà không gì có thể chia cắt. Các cán bộ của khoa đoàn kết sẽ là một tấm gương cho sinh viên. Bài học thực tế của chính đời sống người giáo viên bao giờ cũng sống động và hiệu quả nhất. Ngày hội trường và ngày hội khoa sắp tới. Tháng 10 - cao điểm của mọi hoạt động cũng sẽ là tháng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với mỗi người. Không khí thi đua gấp gáp hơn, hứa hẹn một ngày lễ lớn có ý nghĩa trọng đại. Tôi không phải là một nữ sinh của khoa Giáo dục thể chất. Nhưng có một niềm vui nhỏ được nhen nhóm khi nhiều người cứ ngỡ lầm như vậy. Có lẽ tình cảm đặc biệt ấy cũng có được từ mẹ, từ các cô, các bác trong khoa... Tháng 10.2004
Trần Thị Tịnh - Nguyễn Thị Thanh Hiếu (Bài viết được đăng trong tập san Chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập khoa Giáo dục thể chất, tháng 10/2004)