Các bài tập dành cho cơ bụng

 Để việc tập luyện có hiệu quả cao, bạn nên chọn bài tập phù hợp với khả năng của mình (người mới tập và người đã có kinh nghiệm cần thực hiện những bài khác nhau). Cần có các bài tập riêng cho phần cơ bụng dưới và phần cơ vùng dạ dày.
Làm săn chắc phần bụng trên
- Người mới tập: Nằm ngửa, hai bàn tay đặt sau gáy, dang rộng hai khuỷu tay, hai chân hơi co lên, bàn chân đặt xuống sàn. Nâng hai vai và xoay phần thân trên sang trái, đồng thời đưa đầu gối trái về phía khuỷu tay phải. Tập 10 lần và đổi bên. Chú ý không quá hăng hái, nâng thật nhẹ nhàng, không co giật.
- Người đã có kinh nghiệm: Nằm ngả lưng, hai tay duỗi thẳng lên phía trên đầu, hai chân co và dang ra tầm ngang hông, hai bàn chân đặt trên sàn. Ép lưng xuống sàn, nhấc hai vai lên càng cao càng tốt và giữ tư thế này trong 10 giây, không co thắt phần thân trên. Thở thật sâu trong quá trình co căng cơ.
Luyện phần bụng dưới
- Người mới tập: Nằm ngả lưng, hai tay giang rộng ngang vai, hai chân hơi co và nhấc bổng lên trời. Tựa lên hai tay và không tạo sức nhún với hai chân, nâng mông khỏi mặt sàn. Nếu bài tập quá khó khăn, có thể co đầu gối về phía thân.
- Người đã có kinh nghiệm: Nằm ngửa, hai bàn tay đặt dưới gáy, hai chân duỗi thẳng lên trời. Vừa nhấc hai vai khỏi mặt sàn, hạ chân phải tới sát mặt sàn và nhấc lên hạ xuống với biên độ nhỏ 15 lần. Trở lại tư thế ban đầu. Tập đổi bên.
Bài tập hoàn chỉnh và khó nhất
Tựa thân lên hai cùi tay, hai chân duỗi thẳng ra sau, đặt mũi ngón chân xuống sàn. Co thắt mạnh cơ bụng và giữ tư thế ván phẳng trong 10 giây. Để 1 phút thư giãn, rồi tập tiếp ba lần. Người có kinh nghiệm có thể tập động tác này ngay từ buổi đầu tiên; còn người mới tập cần chờ 3-4 buổi. 
(Theo Khoa Học & Công Nghệ)
Đi bộ thế nào cho khoẻ?
Tư thế đúng khi đi bộ là đầu luôn giữ thẳng và hướng về trước, thẳng lưng. Vai và cánh tay nên để thoải mái; khi đi nên đánh tay một cách tự nhiên (tốt nhất là tạo với khuỷu một góc 90 độ).
Đi bộ là môn thể thao rất đơn giản nhưng mang lại những lợi ích to lớn cho sức khỏe. Trung bình khi đi bộ 1,6 km, cơ thể sẽ “đốt cháy” khoảng 100 calo. Đi bộ 3,6 km/ngày và 3 lần/tuần có thể giúp giảm 0,5 kg sau 3 tuần. Đặc biệt, môn này có tác dụng rất tốt cho hệ hô hấp và hệ tuần hoàn. Ở những người năng hoạt động (vừa với sức mình), nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ giảm 50% so với người ít vận động. Trong số đàn ông không tập thể dục, có đến 60% bị cao huyết áp.
Việc luyện tập đi bộ còn giúp kiểm sốt đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường. Nó cũng tác dụng đến sức khoẻ tinh thần như giảm triệu chứng lo âu, trầm cảm, giúp thoải mái, yêu đời hơn. Môn này ảnh hưởng rất lớn đối với tâm lý người cao tuổi, giúp họ lạc quan, không mang mặc cảm là gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ, đi bộ giúp giảm nguy cơ bệnh mạch vành, đột quỵ, ung thư đại tràng, tiểu đường không phụ thuộc insulin,
giảm huyết áp, giảm cholesterol ở những người có nồng độ cholesterol cao trong máu, giảm khối lượng mỡ dư thừa trong cơ thể. Nó giúp kiểm sốt trọng lượng cơ thể, làm tăng sự hưng phấn, giúp ngủ ngon; tăng đậm độ xương nên giúp ngăn chặn loãng xương.
Để chuẩn bị cho tập luyện, bạn nên đến tư vấn bác sĩ về những vấn đề liên quan đến sức khỏe. Hãy sắm một đôi giày vừa vặn, thoáng. Mặc quần áo phù hợp với thời tiết, đảm bảo sự thoải mái trong lúc luyện tập. Trước khi tập, nên giành 5-10 phút khởi động để làm “ấm cơ thể”, tránh căng cơ, mau mệt mỏi. Nên tập khi không no.
 Khi bước, luôn đặt gót chân xuống rồi hơi nhún tới trước, lấy điểm tựa ở phần nền xương bàn đốt ngón chân (lúc đó, bạn sẽ có cảm giác hơi căng ở phần trên của đùi) và nâng gối lên một chút. Nên giữ các ngón chân hướng thẳng về phía trước.
Về khoảng cách mỗi bước chân, tốc độ và thời gian đi bộ, khó có thể đưa ra con số chính xác. Bạn có thể bắt đầu đi trong 20 phút, 4-5 lần một tuần rồi tăng dần thời gian tập luyện, không nên cố gắng quá sức. Tốc độ đi nhanh hay chậm không quan trọng bằng thời gian đi. Lúc bắt đầu, nên đi chậm, sau đó tăng nhanh hơn một chút. Đi với tốc độ mà bạn cảm thấy thoải mái nhất là được. Thời gian mỗi buổi tập tùy theo từng người, đối với người mới bắt đầu, nên tập ít, sau tăng dần.
Cách đơn giản để tính năng lượng tiêu thụ trong buổi đi bộ là lấy trọng lượng cơ thể nhân với chiều dài quãng đường. Ví dụ: một người nặng 67,5 kg đi 1,6 km sẽ tiêu thụ một năng lượng khoảng 100 calo. Với những người mới bắt đầu tập, nên tăng dần quãng đường đi, sau đó mới tăng dần tốc độ.
Việc phối hợp hít thở trong quá trình luyện tập có ý nghĩa rất quan trọng. Nên kết hợp hít thở trong khi đi, thông thường chọn nhịp 2:1, tức là đi 2 bước kết hợp hít vào và đi 4 bước kết hợp thở ra (đây là nhịp thông thường nhất. Một số người thích áp dụng nhịp 3:1, đi 2 bước kết hợp hít vào và đi 6 bước kết hợp thở ra). Tốt nhất nên hít vào bằng mũi và thở ra qua miệng. Hít thật sâu và đều đặn.
Một trong những ưu điểm của môn đi bộ là có thể luyện tập bất kỳ nơi đâu có môi trường không khí trong lành (công viên, đường phố, vỉa hè) và không bó buộc về thời gian.
(Theo Sức Khoẻ & Đời Sống)