BẢN CHẤT CỦA ĐÀO TẠO THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ
Ths. Đậu Bình Phương
Trưởng bộ môn PPGD
Đổi mới giáo dục đại học là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao trình độ giáo dục đại học Việt nam lên mức tiên tiến so với khu vực và tiếp cận trình độ tiên tiến trên thế giới. Một trong những phương pháp đặt ra là đổi mới phương pháp và quy trình đào tạo theo hướng phát huy tính chủ động của người học. Đào tạo theo hệ thống tín chỉ với những ưu điểm của nó đã được một số nước áp dụng từ lâu và hiện nay đang được nhiều nước có nền giáo dục tiến bộ áp dụng.
Trong “Chương trình hành động của chính phủ” thực hiện nghị quyết số 37/2004/ QH 11 khóa XI, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội về giáo dục đã ghi rõ: “Mở rộng, áp dụng học chế tín chỉ trong đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đề án đổi mới giáo dục đại học việt nam giai đoạn 2006 - 2020 đã được chính phủ phê duyệt cũng khẳng định: “… xây dựng học chế tín chỉ thích hợp cho giáo dục đại học ở nước ta và vạch ra lộ trình hợp lý để toàn bộ hệ thống giáo dục đại học chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ…”. Ở Việt nam đã có đã có hơn 20 trường trong toàn quốc chuyển đổi sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ với lộ trình và bước đi hợp lý. Trong đó có Đại học Vinh. Ngày 02 tháng 11 năm 2007 Hiệu trưởng trường Đại học Vinh đã ký công văn số 2294/ĐT “công bố quy định của Hiệu trưởng trường Đại học Vinh cụ thể hóa một số điều của quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ”.
Nếu như trong đào tạo theo học phần - niên chế, sinh viên phải học theo tất cả những gì nhà trường sắp đặt, không phân biệt sinh viên có điều kiện, năng lực tốt, hay sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, năng lực yếu. Ngược lại, đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho phép sinh viên có thể chủ động học theo điều kiện và năng lực của mình. Những sinh viên giỏi có thể học theo đúng hoặc vượt kế hoạch học tập toàn khóa, kế hoạc học tập từng học kỳ theo gợi ý của nhà trường, để tốt nghiệp theo đúng thời gian chuẩn của chương trình hoặc sớm hơn. Những sinh viên bình thường và yếu có thể kéo dài thời gian học tập trong trường và tốt nghiệp muộn hơn. Vì thế, sinh viên phải tự lập kế hoạch học tập toàn khóa và từng học kỳ cho phù hợp với năng lực và điều kiện cụ thể của bản thân dưới sự giúp đỡ của giáo viên chủ nhiệm hay cố vấn học tập. Toàn bộ hệ thống quản lý đào tạo, quản lý sinh viên vì thế phải vận hành theo yêu cầu của từng sinh viên làm cho quá trình quản lý trở nên hết sức phức tạp so với đào tạo theo học phần - niên chế. Chương trình đào tạo của tất cả các ngành đều phải cấu trúc lại theo hướng môđun hóa thành những học phần; lịch trình giảng dạy phải thực hiện hết sức chính xác, không được đổi giờ hoặc bỏ giờ; mỗi giảng viên, mỗi sinh viên đều có thời khóa biểu riêng, không theo một quy luật nào cả… Vì thế, nếu trứơc kia sinh viên phải “chạy” theo kế hoạch của nhà trường thì bây giờ nhà trường phải “chạy” theo kế hoạch của từng sinh viên. Khi triển khai đào tạo theo hệ thống tín chỉ, trong học kỳ thứ nhất và thứ hai, các nhà trường đều gặp phải những khó khăn nhất định, đó cũng là điều tất yếu. Vì đào tạo theo hệ thống tín chỉ yêu cầu một hệ thống quản lý khoa học, chặt chẽ, linh hoạt và mềm dẻo. Đào tạo theo tín chỉ còn đòi hỏi cả người dạy và người học phải thay đổi cách tư duy, đổi mới phương pháp dạy và học từ bị động sang chủ động một cách nghiêm túc. Đào tạo theo hệ thống tín chỉ, chỉ có thể thành công, đi vào thế ổn định và phát triển, khi có sự chỉ đạo rất cương quyết và khoa học của ban giám hiệu, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Hiệu trưởng, sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị trong trường, đội ngũ giảng viên nhận thức được trách nhiệm và tham gia vào quá trình đào tạo một cách tự giác bằng cả tấm lòng của người thầy.
Còn một vấn đề còn không ít ý kiến phàn nàn, đó là trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ, số tiết dạy trên lớp quá ít thì sao đảm bảo chất lượng đào tạo? Đào tạo theo tín chỉ là phương thức đào tạo tiến tiến vì thế nó đòi hỏi sự đổi mới trong phương pháp dạy và học, tư tiếp cận nội dung sang tiếp cận phương pháp. Cái chúng ta cần ở sinh viên ngày nay khi ra trường không phải là kiến thức ghi chép được trong một quyển vở mà thầy đọc trò chép như trước kia mà là năng lực tự học, sáng tạo để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, thậm chí chưa bao giờ được học ở nhà trường. Nếu cứ theo quan điểm phải dạy và học như những năm của thế kỷ XX thì ngày nay giáo dục đại học dù phải kéo dài đến 10 năm thì cũng không đủ kiến thức cho sinh viên ra trường làm việc. Hiện nay đào tạo theo học phần – niên chế, 1 đơn vị học trình (ĐVHT) = 15 tiết trên lớp (nói chung các trường đều bố trí chung cho cả lý thuyết và bài tập) và để tiếp thu được 01 ĐVHT sinh viên chỉ cần chuẩn bị 15 tiết ở nhà. Trong đào tạo theo tín chỉ, 01 tín chỉ (TC) = 15 tiết chuẩn và để tiếp thu được 01 tín chỉ sinh viên phải chuẩn bị 30 tiết ở nhà. Điều này cho thấy giờ dạy trên lớp giảm nhưng giờ tự học của sinh viên tăng dần và được bố trí rõ ràng, chứ không mập mờ như trước kia. Sinh viên có cơ hội để tự học và học theo kiểu tự học đó, còn giảng viên chỉ là người giúp đỡ sinh viên tư duy, phương pháp tự học, sáng tạo, chứ không phải đơn thuần là truyền thụ lại kiến thức.
Có thể cho rằng, đào tạo theo hệ thống tín chỉ đòi hỏi sinh viên phải nắm chắc quy chế đào tạo và được tư vấn đầy đủ, để lập được kế hoạch học tập thật phù hợp với điều kiện và năng lực cụ thể của mình. Nhưng điều quan trọng hơn là sinh viên phải tiếp cận được với phương pháp học tập chủ động, lấy tự học và học tập theo nhóm làm chính, để đáp ứng được yêu cầu của đào tạo và quan điểm học tập suốt đời của thời đại ngày nay. Bản chất của đào tạo theo hệ thống tín chỉ mà quy chế đào tạo là cơ sở để vận hành nó luôn tạo điều kiện tốt nhất cho người học phát huy cao độ năng lực của bản thân. Tuy nhiên trên con đường chuyển đổi từ cái cũ sang cái mới mỗi nhà trường cần có lộ trình và liên tục điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mình. Để cho việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ sớm đi vào quỹ đạo và đạt được hiệu quả cao thì chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ phương thức đào tạo này kết hợp với việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học.