DẠY HỌC BẰNG PHƯƠNG PHÁP THẢO LUẬN NHÓM

TRONG ĐÀO TẠO THEO TÍN CHỈ

 

                                                 TS. Hoàng Thị Ái Khuê – Khoa GDTC

 

I. KHÁI NIỆM

1.1. Vai trò thảo luận trong dạy - học tích cực

      Thảo luận là sự đóng góp ý kiến, bàn bạc, tranh cãi của những người trong một tập thể về một (số) vấn đề để đi đến các kết quả mong muốn là tạo được các sản phẩm: các kết luận, giải pháp, quyết định, quyết nghị…

       Muốn có kết quả, thảo luận phải có các điều kiện:

       - Mỗi người tham gia phải hiểu rõ mục tiêu của cuộc thảo luận. Ai cũng phải chuẩn bị những hiểu biết chung về những vấn đề cần thảo luận để có thể vận dụng chúng vào tình huống cụ thể mà cuộc thảo luận đặt ra. Nếu không sẽ thụ động, thậm chí lạc lõng, không có đóng góp gì nhiều vào sản phẩm chung.

       - Mỗi người có quyền và nghĩa vụ nói ra suy nghĩ, lập luận và tham gia bàn cãi…để sản phẩm của cuộc thảo luận thật sự là kết quả của sự hợp tác bình đẳng.

       - Phải có người điều khiển, nêu và dẫn dắt vấn đề để giúp và yêu cầu mọi người tham gia bàn bạc, tranh cãi tránh lạc đề, lãng phí thời gian.

       Rõ ràng áp dụng hình thức thảo luận để dạy - học là cách rất tốt để học viên tích cực hơn trong các hoạt động học tập. Tuy nhiên là giáo viên, chúng ta phải hiểu biết những gì giống và khác nhau giữa th o luận nói chung và thảo luận dạy - học.

1.2 Thảo luận để dạy học và thảo luận nói chung

1.2.1. Các điểm tương đồng là chủ yếu 

    - Đều phải có chủ đề rõ ràng để khỏi lạc  đề, gây tốn thời gian vô ích.

    - Đều phải có mục đích (nhằm giải quyết vấn đề gì) trong dạy - học gọi là mục tiêu.

    - Đều phải giới hạn thời gian.

    - Đều phải có sản phẩm: Đó là các kết luận, quyết nghị, được tạo ra do sự đóng góp suy nghĩ chung.

    - Đều phải có người điều khiển.

    - Mỗi người đều phải có “vốn” hiểu biết để tham gia thảo luận, nếu không muốn đóng vai thụ động. Ngoài vốn tích luỹ từ trước, người thảo luận còn thu được “ vốn” mới trong quá trình thảo luận.

    - Văn hoá trong bất cư sthảo luận nào cũng vấn là:

+ Biết lắng nghe người khác, nhất là người đang đối thoại với mình;

+ Không làm lãng phí thời gian chung (do chuẩn bị không tốt, nói lạc đề…)

1.2.2. Các điểm khác biệt tuy nhỏ nhưng rất quan trọng

Thảo luận để dạy - học còn có những đặc điểm riêng, nếu giáo viên biết rõ sẽ thuận lợi hơn khi hướng dẫn một cuộc thảo luận nhóm để dạy một chủ đề nào đó. Đó là vai trò của giáo viên, cụ thể là:

     - Chỉ một người đưa ra chủ đề cho cuộc thảo luận: Đó là giáo viên (mà không có chuyện “ thông qua chương trình nghị sự ”)

    - Chỉ có một mục đích: thực hiện các mục tiêu bài học do giáo viên đề ra.

     - Chỉ một người biêt trước kết luận: Giáo viên (không dùng biểu quyết)

     - Chỉ một ngườiđiều khiển: Giáo viên (không bầu chủ toạ)

     - Số lượng thành viên tham gia: lí tưởng 5 - 12, tối đa 15

     - Vốn kiến thức để thảo luận: Do giáo viên cung cấp (giảng trước, hoặc tốt nhất hướng dẫn cho tự đọc từ trước). Vốn tự học của học viên không bao giờ đủ (như ở các loại thảo luận khác). Nghĩa là học viên phải chuẩn bị.

     - Mọi thành viên đều phát biểu, giáo viên có quyền chỉ định nếu họ không phát biểu. Thực chất đó là giúp họ tự phát huy hiệu quả của “ vốn”, và buộc họ đóng góp vào các kết quả chung.

     - Có sự đánh giá, kể cả bằng cho điểm, sự tham gia của các thành viên: do giáo viên thực hiện, v.v..

Do đó, điều khó khăn nhất  với giáo viên trong hướng dẫn thảo luận là: Làm thế nào để mọi người đều cảm giác như chính họ giúp nhau đi đến kết luận (chân lí), mặc dù thật sự giáo viênlà người áp đặt chân lí cho họ. Như vậy, điều nặng nề nhất đối với giáo viên là học viên không chịu phát biểu trong cuộc thảo luận, khiến giáo viên phải nói toạc chân lí ra, nghĩa là đóng vai người giảng bài. Nừu giáo viên phải thuyết giảng dài dòng trong thảo luận thì điều đó đồng nghĩa với thất bại.

Dạy bằng thảo luận là cách dạy đòi hỏi cao độ tính chủ động của mỗi học viên. Điều này được biết từ khi phương pháp dạy - học tích cực chưa chính thức ra đời.

Bởi vậy, nó trở thành cách dạy chủ yếu của dạy - học tích cực, khiến các giáo viên thực hiện nó đều có ý thức rằng, mình phải thành thạo về kĩ năng (điều khiển nhóm), phải biết rõ về lợi ích của dạy bằng thảo luận, cũng như các điều kiện để dạy tốt bằng thảo luận. Cuối cùng, còn phải biết có thể áp dụng nó cho những loại mục tiêu nào.

Mọi giáo viên đều dễ đồng ý rằng dạy cho nhóm nhỏ thường đưa lại nhiều kết quả hơn là dạy cho nhóm lớn (lớp học). Nhưng đáng ngạc nhiên là nhiều giáo viên vẫn cứ dùng cách “lên lớp” mặc dù trước mặt họ không phải là lớp, mà chỉ là nhóm. Nghĩa là, họ vẫn đưa dần lên bảng một dàn chi tiết với (I) la mã, A lớn, b nhỏ…, và nói thao thao như khi giảng cho hàng trăm người.

Đối lập, có giáo viên quá lạm dụng cách dạy bằng thảo luận và áp dụng nó một cách vô điều kiện, ví dụ: thảo luận khi học viên chưa có chút “ vốn liếng” nào để thảo luận, thảo luận không có hướng dẫn, thảo luận để học mọi loại mục tiêu, hoặc khi chưa xác định được mục tiêu thật rõ ràng…

1.3. Áp dụng với loại kỹ năng (mục tiêu) nào?

Hãy xét lần lượt:

1.3.1. Đối với kỹ năng tư duy (qua mục tiêu kiến thức)

   -  Không dùng cách thảo luận để dạy và học các kiến thức mới

Kiến thức là sản phẩm của sự quan sát, tìm tòi, nghiên cứu, tổng kết, được lưu trữ lại trong sách vở, đĩa, băng từ, và được tích luỹ dần từ xa xưa. Muốn lĩnh hội kiến thức phải qua nghe giảng, hay tự đọc. Do vậy, không thể dùng thảo luận để bật ra được kiến thức mới.

 Không thể ”thảo luận’’vấn đề mà người tham gia chưa có chút vốn liếng nào. Còn nếu chỉ có những kiến thức chắp vá, thậm chí chưa chính xác (như trong chủ đề trên), thì ‘thảo luận’ sẽ chỉ là hình thức và tốn thời gian vô ích.

   - Rất ít dùng thảo luận để củng cố kiến thức đã học

Kiến thức phải được củng cố bằng ôn tập, nghiền ngẫm, đào sâu, suy luận, áp dụng, làm bài tập. Tóm lại, đó là việc lao động của cá nhân trong học tập. Không ai có thể học thay ai, mà mỗi người chỉ có thể ’’mình học hộ chính mình’’.

Do vậy, đề tài dưới đây là không phù hợp đối với thảo luận :

Tôi cảm thấy các bạn chưa được lĩnh hội tốt bài giảng hôm qua. Bởi vậy, hôm nay tôi cho thảo luận để củng cố kiến thức đã học. Ai có thắc mắc, nghe thảo luận sẽ được giải đáp. Ai chưa hiểu, nghe thảo luận sẽ hiểu thêm. Ai chưa nhớ, nghe các bạn mình thảo luận sẽ nhớ thêm. Tôi không cần tham gia gì nhiều. Đó là cách học tích cực(!)

Thực chất, cuộc thảo luận như trên sẽ biến thành một buổi giải đáp, rất ít tính chất thảo luận. Nếu thật sự đa số chưa hiểu rõ bài, giáo viên sẽ phải đóng vai “nói lại”; còn nếu đa số đã hiểu bài, nhiều người sẽ cảm thấy tốn thời gian, vì không thắc mắc cũng phải ngồi dự suốt buổi. Tính ỷ lại, thụ động sẽ được khuyến khích ở người lười biếng.

  - Rất tốt, nếu dùng thảo luận để vận dụng các kiến thức đã học

    Để giải thích sự việc, hiện tượng mới thu được.

    Để tìm giải pháp, tìm cách giải quyết vấn đề.

    Để tìm ra quyết định.

Nói khác, học viên phải vận dụng được các kiến thức chung đã học (đã hiểu và nhớ) vào các tình huống cụ thể do giáo viên đưa ra. Nhờ vậy, các kiến thức mà họ vừa học được (tạm nhớ) không còn là kiến thức chết, khô cứng, mà bắt đầu có sức sống, có công dụng. Nhờ vậy, họ dễ nhớ và nhớ lâu hơn.

   Đề tài dưới đây được xem xét thích hợp cho thảo luận (vận dụng để giải thích) :

Chúng ta đã học về sinh lí bộ máy hô hấp, tuần hoàn, và sự thích nghi của chúng (tức là đã có vốn kiến thức). Vậy các bạn hãy cho biết những gì sẽ biểu hiện ra ngoài và xảy ra bên trong cơ thể khi một người mang 40 kg chạy 100m? Hãy cắt nghĩa cơ chế của hiện tượng đó ?

    Đề tài này thích hợp cho thảo luận, nhưng mới chỉ ở mức vận dụng kiến thức đã học để giải thích các hiện tượng quan sát được. Nhưng nếu biết hướng dẫn, vẫn có thể làm cho buổi thảo luận sôi nổi, thích thú và bổ ích.

- Rất hiểu quả nếu dùng để dạy Nghiên cứu trường hợp (case - study)

Case study là cách giảng tốt để vận dụng kiến thức vào việc tìm giải pháp và ra quyết định, mà không chỉ dừng lại ở mức giải thích. Thảo luận nhóm là phương tiện chuyển tải tốt nhất các mục tiêu học tập.

+ Bạn định hỏi để khai thác những thông tin gì ?

+ Bạn định khám để phát hiện những thông tin gì ?

+ Với các thông tin đó, bạn có  đoán gì? Có thể có những giải pháp, quyết định chon giải pháp nào?

1.3.2. Đối với kỹ năng thực hành

Không nên dùmg phương pháp thảo luận.

1.3.3. Đối với kỹ năng giao tiếp (mục tiêu thái độ)

     Thảo luận sẽ rất tốt sau khi đóng vai để học viên trao đổi, đi đến các nhận xét thống nhất và các kết luận của bài tập. Ví dụ, chủ đề dạy học bằng đóng vai dưới đây được coi là thích hợp cho dạy học bằng thảo luận nhóm.          

    Tóm lại, có thể có một núi câu hỏi do giáo viên đặt ra để dẫn dắt cuộc thảo luận sao cho đạt được các mục tiêu về thái độ và kỹ năng giao tiếp.

1.3.4. Vì sao buổi thảo luận không sôi nổi?

   Thường do các nguyên nhân sau:

    - Chủ đề không phù hợp với cách dạy bằng thảo luận.

    - Người thảo luận chưa có đủ vốn để thảo luận.

    - Chủ đề thích hợp nhưng câu hỏi đặt ra hoặc gợi ý là quá khó (ngoài tầm suy nghĩ của học viên), hoặc quá dễ (tưởng giáo viên đùa)

    - Bản thân đề tài kém thú vị, bổ ích. Cách đặt vấn đề chưa tốt.

   - Thói quen cố hữu ngại phát biểu của cách học cũ mà giáo viên đã quá quen.

II. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH DẠY HỌC BẰNG  THẢO LUẬN

    Gồm 2 bước lớn:

   Bước chuẩn bị: (ở nhà): Gọi là soạn thảo bài dạy (tạo vật liệu dạy học).

   Bước thực hiện (ở  nhóm): Điều khiển buổi thảo luận.

2.1 Chuẩn bị (soạn bài ở nhà).

2.1.1 Chọn chủ đề

     - Chủ đề phải phù hợp với mục tiêu mà giáo viên được phân công dạy; đồng thời hợp với cách dạy bằng thảo luận và học viên đã được “cấp vốn” từ trước để thảo luận.

     Dựa vào mục tiêu, có thể có rất nhiều chủ đề thích hợp với cách dạy bằng thảo luận chẳng hạn: Chia tổ thành những nhóm thảo luận để soạn ra từng chủ đề cho từng nhóm.

2.1.2. Viết ra các mục tiêu

   Lưu ý: Khi mục tiêu đã được xác định, mọi khâu tiếp theo đều phải dựa vào và tuân theo mục tiêu

2.1.3. ẤN định thời gian và giữ kiến các bước

Thời lượng phải phù hợp với số mục tiêu đề ra.

2.1.4. Kê ra các điểm chốt (key-points) và các câu hỏi lớn

    Điểm chốt không phải là dàn ý, mà là các nội dung chính muốn dạy.Từ đó sẽ ra các câu hỏi lớn, có thể có các câu hỏi nhỏ để gợi ý, hướng dẫn thảo luận.

Để viết được các điểm chốt cần phải:

- Dựa vào mục tiêu cụ thể đã đề ra cho bài dạy.

- Dựa vào dự kiến cách dạy.

    Giáo viên cần sẵn sàng chấp nhận một điều: Học viên có thể có những ý kiến hay hơn kể cả phương án hay hơn so với bài chuẩn bị của giáo viên.Do vậy, khi tổng kết giáo viên cần bổ sung chúng vào các kết luận (và nói rõ đây là do các bạn vận dụng tốt những điều đã học), Để bài giảng thêm hoàn hảo, đồng thời để học viên tự tin hơn vào vào khả năng của mình. Lần sau, trong thảo luận họ sễ mạnh dạn và sôi nổi hơn, giám bảo vệ ý kiến của mình hơn.

2.1.5. Chọn cách bắt đầu thảo luận nhóm

   Cách bắt đầu tốt nhất là liên hệ chủ đề với nhiệm vụ tương lai (xa hay gần) của người học.

    Nên dự kiến cách bắt đầu, không nên ứng phó tuỳ tiện. Có thể cho học viên vài sự kiên để họ thấy:

+ Bài liên quan đến công việc tương lai xa hoặc sắp tới

+ Nêu ví dụ: Đã có trường hợp thất bại vì lúng túng, hoặc ngôn từ chưa phù hợp với người nghe, hoặc thái độ ban ơn, trịnh thượng khi nói chuyện.

2.2. Điều khiển buổi thảo luận

   - Khi phương pháp dạy học tích cực được áp dụng rộng rãi thì thảo luận nhóm trở thành phương pháp chủ yếu. Một giáo viên thường phụ trách một số tổ, dần tạo ra sự quen, hiểu nhau và có sự gắn bó. Giáo viên biết rõ ưu và nhược điểm của mỗi học viên và cách thích hợp nhất giúp họ phát huy hoặc khắc phục.

    Số người trong nhóm lý tưởng nhất 8-5, nhưng khi không đủ điều kiện (thiếu giáo viên, thiếu địa điểm) thí số người có thể lên tới 20 hay 25. Vấn đề trong thời gian thảo luận (một hay hai tiết học) mỗi người phải có điều kiện phát biểu nhiều lần.          

     Nếu nhóm học tập quá nhiều người thì có những người không có dịp (hoặc trốn) phát biểu, và khó xảy ra tranh luận sôi nổi. Cũng do đông, có thể có người dựa dẫm, trốn tránh, ngồi “nghỉ” làm việc riêng mà giáo viên không thể bao quát được.

     Khi trong tay đã có bài soạn (chuẩn bị từ trước) đến giờ quy định trong thời khoá biểu. Giáo viên tiến hành điều khiển cuộc thảo luận. Giáo viên có quyền hạn và trách nhiệm:

        - Kiểm tra số người

        - Sắp xếp chỗ ngồi sao cho cuộc thảo luận thân mật, thuận lợi không ai bị tách ra hoặc có thể tìm cách né tránh thảo luận.

      - Nêu rõ chủ đề, nêu các mục tiêu, nêu sản phẩm mà buổi thảo luận phải tạo ra.

      - Chỉ định thư ký

      - Điều khiển buổi thảo luận, chỉ định người phát biểu.

      - Khi cấn, tóm tắt ý kiến (hoặc một số ý kiến) của học viên để giúp thư ký ghi lên bảng.

      - Nêu các câu hỏi gợi ý

      - Sơ kết, tức là nêu ra các kết luận mà mỗi chặng thảo luận đã đạt được. Kết luận đúng dự kiến đúng dự kiến trong bài soạn, nhưng không mang tính áp đặt mà còn khuyến khích sự vận dụng sáng tạo học viên.

2.2.1. Sắp xếp chỗ ngồi và làm quen

- Khi thảo luận lần đầu, nhất thiết cần làm quen: Giáo viên tự giới thiệu mình và yêu cầu từng người giới thiệu (tên, họ, tuổi và vài thông tin tối thiểu khác: quê, sở thích, mong muốn) nhằm tạo được không khí thân mật, cởi mở, để bước vào thảo luận. Từ lần sau thì không cần nữa.

- Giáo viên không được ngồi tách riêng mà ngồi lẫn như một học viên, mọi người ngồi đủ gần nhau, nhì rõ nét mặt, nghe rõ người đối thoại, cố sắp xếp để không ai ngồi sau lưng người khắc, không thể để vài người co cụm thành một khối riêng. Nếu có thể, nên có một bàn (tiện ghi chép) đủ rộng, để cho mọi người ngồi xung quanh thì càng tốt.

Những lần sau, các việc này chỉ làm tối thiểu, cho tới lúc không cần làm nữa thì nhóm học tập đã gắn bó và đã quen học bằng thảo luận.

 2.2.2. Bắt đầu buổi thảo luận

Nêu lý do buổi thảo luận như đã chuẩn bị trong bài soạn (thảo luận để làm nhiệm vụ tốt hơn). Nếu làm tốt, học viên sẽ quan tâm tham gia thảo luận và thấy rằng nó thân thiết. Vai trò chính của giáo viên trong thảo luận “đặt vấn đề” (vấn đề: nghĩa đen là câu hỏi), gồm câu hỏi nêu vấn đế và các cầu hỏi gợi ý.

Như trên đã nói. Nếu giáo viên từ vai trò “nêu vấn đề” (người giải quyết vấn đề là học viên) bỗng chuyển sang vai trò người thuyết giảng thường do học viên không phát biểu thì đó là thất bại.

 2.2.3. Nêu chủ đề và các mục tiêu:

- Nêu rõ chủ đề: Cuộc thảo luận có thể lạc đề, nếu chưa rõ chủ đề. Khi đã rõ chủ đề, nếu có ý kiến lạc đề thì người nói sẽ nhanh chóng nhận ra khi được giáo viên nhắc nhở. Tốt nhất là viết rõ chủ đề lên bảng để mọi người nhìn rõ trong suốt cả buổi thảo luận.

- Nêu rõ mục tiêu để mọi người hiểu, cộng tác tốt với giáo viên. Có thể chiếu lên cho mọi người đều thấy, tốt hơn nữa là in ra và phát các mục tiêu, nếu không tiện viết lên bảng (thường là viết dài).

2.2.4. Chỉ định một thư ký

- Chỉ định lần lượt: Mỗi buổi thảo luận, một học viên làm thư ký (thay nhau để học phương pháp) không có thư ký “chuyên nghiệp”, hoặc tránh làm thư ký. Làm thư ký vừa là trách nhiệm, vừa để học cách ghi tóm tắt nội dung các ý kiến chính, tạo ra khả năng bắt cái cốt lõi, tạo ra năng lực suy nghĩ mạch lạc. Cuối buổi cần có vài câu nhận xét công việc của thư ký, khen hoặc vài góp ý và cần thay mặt cả nhóm cảm ơn thư ký.

Nhưng lần đầu cần nói rõ nhiệm vụ thư ký, đó là: Ghi một cách rất tóm tắt (nhưng đủ ý chính) lên bảng những ý phát biểu của mỗi người hoặc một số người (nếu có thể). Các ý kiến bất đồng và đối lập cần ghi sao cho mọi người thấy rõ để tranh luận đi đến thống nhất, hoặc đi đến giải pháp tối ưu.

- Nói cho thư ký những mục cần ghi (mỗi mục có một khung riêng trên bảng, không ghi lẫn lộn).

Giáo viên phải kết hợp chặt chẽ với thư ký, không rời mắt khỏi những điều thư ký ghi, và nếu chưa đạt thì nhắc lại, tóm tắt lại để thư ký sửa ngay. Người phát biểu phải hài lòng vì ý kiến của mình đã được ghi đúng như họ phát biểu. Đó cũng là các dữ kiện để giáo viên sơ kế, tổng kết. Nếu ghi chép tốt, học viên sẽ cảm thấy như chính họ tìm ra giải pháp, hoặc tự đi tới các quyết định, còn giáo viên chỉ là người “hỏi”, và sau đó “tổng kết” giúp họ. Tốt hơn nữa, là để thư ký tổng kế, còn giáo viên chỉ bổ sung (ức là dạy phương pháp, dạy năng lực làm việc).

2.2.5. Tiến hành các bước

- Như dự kiến trong bài soạn. Luôn luôn theo dõi nhìn nội dung bài soạn, chú ý thời gian quy định cho mỗi bước (chặng).

- Thời gian mỗi chặng có thể xê xích so với dự tính ban đầu. Có những chặng, sự thảo luận sôi nổi, nhiều sáng tạo, đem lại hiệu quả cao, học viên muốn được phát biểu sâu hơn thì có thể kéo dài hơn dự kiến. Ngược lại, có những chặng đi đến buồn tẻ, cạn ý kiến thì có thể rút ngắn. Rất có thể giáo viên đã dự kiến chưa phù hợp số thời gian cho mỗi chặng và có thể sửa ngay khi thảo luận.

- Sơ kết sau mỗi chặng: Luôn luôn nhớ rằng, trong thảo luận giáo viên không thuyết giảng mà chỉ đặt câu hỏi gợi ý.

  Giáo viên buộc phải thuyết giảng dài dòng, thường do hai nguyên nhân:

+ Học viên chưa đủ “vốn” để thảo luận.

+ Bài soạn chưa tốt, hoặc kỹ năng dạy bằng thảo luận chưa tốt.

Khi học viên hăng hái tìm cách “giải đáp” các câu hỏi do giáo viên nêu ra, tức là họ đã thảo luận, vì giáo viên không bao giờ “thông”với sự giải đáp, lại thắc mắc tiếp, trong đó nêu ra chỗ đúng, chỗ mâu thuẫn trong các ý kiến “giải đáp” để họ chọn và nêu lập luận xác nhận ý nào họ cho là đúng hoặc là đúng nhất.

Trong thảo luận để dạy - học, đặt câu hỏi khó trả lời câu hỏi, nhất là những câu “gỡ bí” làm cho cuộc thảo luận thoát khỏi chỗ bế tắc hoặc những câu hỏi làm cho cuộc thảo luận sôi nổi hẳn lên. Nói chung, mọi người rất thích những câu hỏi vừa sức, tức không quá dễ, mà hơi khó để họ phải vắt óc suy nghĩ, cố nhiên câu hỏi phải hợp trình độ chung.

Có những lúc không phát biểu có thể do mọi người đang suy nghĩ (dấu hiệu tốt, đừng ngại), cũng có thể do câu hỏi quá dễ (không ai muốn trả lời), hoặc quá khó; cũng có thể vấn đề đã hết hấp dẫn. Cần tìm đúng nguyên nhân để khắc phục.

Vài lưu ý: Sau nhiều buổi thảo luận, dần dần cần phân biệt ra: người có khả năng và người chậm suy nghĩ; người hấp tấp, người chín chắn; người mạnh dạn, người rụt rè; người nói dài lạc đề, người nói ngắn súc tích… để các buổi sau chỉ định phát biểu hoặc để nhắc nhở đúng lúc, giúp cho nhiều người có dịp phát biểu, để buổi thảo luận sôi nổi, sinh động, hiệu quả và giúp học viên sửa chữa nhược điểm.

- Với một câu phát biểu lạc đề chỉ cần nhắc lại chủ đề, nói rõ ý nào đúng với chủ đề, hoặc ý kiến đó của bạn rất hay nhưng nên dành cho một chủ đề khác.

- Hạn chế những người quá hăng hái, để họ nói sau. Ưu tiên những người bẽn lẽn, ngại nói, chỉ cần họ có biểu lộ muốn nói là chỉ định ngay, với thái độ động viên thân ái. Không để ai không chế buổi thảo luận.

- Những người quá hồi hộp, ít dịp nói trước tập thể thường rất dễ lúng túng trước những câu hỏi quá chung chung.

Có những giáo viên rất nhanh chóng thích nghi với cách dạy bằng phương pháp thảo luận, những giáo viên khác có thể trải qua một số lần. Dẫu với ai, sự chuẩn bị tốt từ ở nhà cũng đều có tác dụng lớn cho sự thành công. Khi đã quen, công sức soạn bài sẽ giảm xuống, sự thích thú sẽ tăng lên, hiệu quả học và dạy sẽ nhiều hơn.

Tác dụng cuối cùng và lớn nhất của dạy - học bằng thảo luận là sau này, người học sẽ trở nên tích những thành viên tích cực, năng động, cởi mở và hợp tác tốt với đồng nghiệp trong tập thể làm việc của họ.

 điv>